YouTube Video
ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.


Phim “Khát vọng Thăng Long”,
bản hùng ca lịch sử nghìn năm


QĐND - Chủ Nhật, 29/08/2010, 23:40 (GMT+7)

QĐND Online - Sau gần 12 tháng bấm máy, bộ phim truyện nhựa về Lý Công Uẩn “Khát vọng Thăng Long” do Công ty cổ phần Kỷ Nguyên Sáng đầu tư sản xuất, đã hoàn thành. Ngày 29-8, tại Khách sạn Cung Đình, Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn làm phim “Khát vọng Thăng Long” đã tổ chức giới thiệu bộ phim.

Bản hùng ca về Lý Công Uẩn

“Khát vọng Thăng Long” là dự án phim kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chuyện phim kể về cuộc đời Lý Công Uẩn, tập trung vào 4 giai đoạn: từ lúc còn nhỏ; tuổi trưởng thành; thời kỳ vào cung và giai đoạn ban Chiếu dời đô.

Lý Công Uẩn trong phim “Khát vọng Thăng Long” từ nhỏ đã bộc lộ khí chất hơn người, giỏi võ và giàu lòng vị tha. Cậu bé lớn lên nơi cửa Phật, dưới sự dìu dắt của Quốc sư Vạn Hạnh. Sớm nhận thấy tấm lòng quảng đại khác biệt của Lý Công Uẩn, Sư Vạn Hạnh quyết định đưa học trò vào triều. Đây cũng chính là ước nguyện của Lý Công Uẩn, bởi cậu bé tin rằng đến với triều đình chính là cơ hội để được giúp người đời nhiều hơn.



Thời niên thiếu, Lý Công Uẩn đã bộc lộ khí chất hơn người,
giỏi võ thuật và giàu lòng nhân ái. (đoàn làm phim cung cấp).

Sau khi Vua Lê Đại Hành mất, các hoàng tử bước vào những cuộc thanh trừng đẫm máu nhằm tranh giành ngôi báu. Hoàng tử Long Việt kế vị ngai vàng chưa được 3 ngày thì bị chính người em trai là Long Đĩnh giết chết, cướp ngôi. Những tội ác phía sau cánh cửa cung cấm đã làm tan vỡ ảo mộng về một triều đình anh minh mà Lý Công Uẩn từng hình dung. Ông rời cung, mặc cho Long Đĩnh ra sức giữ lại. Nhưng rồi sự lầm than, khốn khổ của dân chúng đã khiến Lý Công Uẩn thay đổi. Ông ngẫm ra rằng phải phò vua bình thiên hạ thì mới an dân. Sát cánh cùng ông là nàng Dạ Hương, một người luôn yêu thương và sẵn sàng hi sinh vì ông.

Xoay quanh cuộc đời Lý Công Uẩn, phim tái hiện sinh động đời sống sinh hoạt, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của người dân Việt 1.000 năm trước. Đoàn làm phim đã phục dựng và sử dụng những địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Đăk Lăk... làm trường quay.

“Khát vọng Thăng Long” là một bản hùng ca hào sảng về lịch sử, cốt truyện phim hấp dẫn, kịch tính nhưng không kém phần lãng mạn. Các cảnh quay hành động, chiến trường, võ thuật... do đạo diễn võ thuật Johny Trí Nguyễn chỉ đạo thực hiện khá gay cấn, hấp dẫn.

Nỗ lực, “sạn” trong phim và chuyện … bí mật

Ngay từ khi ra mắt đoàn làm phim cuối năm ngoái, từ nhà sản xuất cho đến đạo diễn đều giữ bí mật với báo giới về kinh phí làm phim, diễn viên đóng vai chính, tác giả kịch bản... khiến dư luận phải “đoán già đoán non”. Đến nay thì những thứ được gọi là “bí mật” ấy không còn là bí mật nữa. Làm như thế là bởi các nhà làm phim muốn dành cho khán giả sự bất ngờ cho đến phút chót.



Lý Công Uẩn (trái) thời kỳ vào triều. (đoàn làm phim cung cấp).

Mặc dù thời gian làm phim khá gấp gáp nhưng không vì thế mà phim được làm dễ dãi. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ:

- Trước khi nhận lời làm đạo diễn phim này, chúng tôi đi khảo sát 5 phim trường ở Trung Quốc nhưng cuối cùng phải từ bỏ ý định mượn phim trường của bạn vì thấy nó không phù hợp. Cuối cùng, chúng tôi đã lựa chọn được những trường quay ưng ý trong nước để thực hiện các cảnh quay.

Đạo diễn võ thuật Johny Trí Nguyễn nói thêm:

- Chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ các động tác võ cổ truyền dân tộc để thực hiện các cảnh hành động một cách chân thực. Nếu để lọt vài động tác võ hiện đại vào phim, khán giả tinh ý sẽ nhận ra ngay.

Cẩn thận, nhiệt huyết là thế nhưng “Khát vọng Thăng Long” vẫn để lọt một vài “hạt sạn” đáng tiếc. Cảnh quay đám thuộc hạ của Long Đĩnh đột nhập bằng đường thuỷ vào cung giết hại Long Việt, không hiểu sao đạo diễn lại để cho diễn viên mặc đồ lặn, sử dụng kính bơi. Những thứ ấy là sản phẩm của nền văn minh hiện đại, chứ 1.000 năm trước làm gì có?! Một số người cho rằng, phục trang cung đình trong phim hơi hiện đại, nhất là việc sử dụng chất liệu vải quá... mốt.

Mặc dù vậy, xét toàn cục, “Khát vọng Thăng Long” là một bộ phim được thực hiện công phu. Khi được hỏi về kinh phí làm phim, bà Lê Minh Tâm, Giám đốc sản xuất vẫn chưa tiết lộ điều …bí mật. Bà Tâm cho biết: “Xin cho tôi chưa công bố chuyện này, vì nếu nói ra hẳn quý vị sẽ rất sốc. Tôi chỉ muốn nói rằng kinh phí đội lên gần 2 lần so với dự tính ban đầu và tôi đã nhiều lần phát hoảng vì nó”.

Việc một công ty tư nhân bỏ ra một khoản kinh phí không hề nhỏ để làm phim về lịch sử, như là một thứ lễ vật của lòng thành dâng lên Tiên tổ nghìn năm là điều rất đáng trân trọng.

Và như thế, “Khát vọng Thăng Long” là một bộ phim rất đáng xem.

Phim “Khát vọng Thăng Long” dài 110 phút, bắt đầu sản xuất từ cuối năm 2009; kịch bản Charlie Nguyễn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, giám đốc sản xuất Lê Minh Tâm; các diễn viên chính: Ngọc Ngoan, Ngô Mỹ Uyên, Vũ Đình Toàn, Leon Quang Lê, Thạch Kim Long... sẽ được công chiếu rộng rãi tại các rạp trong toàn quốc trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.