Một không gian thanh bình treo lơ lửng giữa trời – nước, giữa lòng Thủ đô. Một bảo tàng văn hóa mang đậm bản sắc Việt, một không gian nghệ thuật mở với những sự kiện văn hóa đậm tính lịch sử.


Đây là những hứa hẹn về một Festival lần thứ 2 trên cây cầu Long Biên lịch sử mang chủ đề: “Cầu rồng kể chuyện nghìn năm”. Tuy nhiên, sau Festival “Ký ức cầu Long Biên” diễn ra năm 2009 ít nhiều gây thất vọng cho người xem, Festival lần này với rất nhiều sự kiện văn hóa được hứa hẹn sẽ quy mô và hoàn thiện hơn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Nga – Trưởng ban tổ chức Festival về vấn đề này

Festival – tiệc sinh nhật Hà Nội 1000 năm

Thưa bà, sau Festival lần thứ 1 với chủ đề “Ký ức cầu Long Biên”, ý tưởng nào khiến bà tiếp tục ấp ủ một Festival hoành tráng hơn với kinh phí lên tới 30 tỷ đồng?
- Năm nay là Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Năm ngoái, fesitval vinh dự là “phát súng” đầu tiên mở màn cho một chuỗi các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhưng đó chỉ là sự tập dượt để chuẩn bị cho sự kiện lớn vào năm nay.

Festval “Cầu rồng kể chuyện nghìn năm” sẽ là một buổi tiệc sinh nhật Hà Nội 1000 năm. Chúng tôi sẽ mời 69 quốc gia có đại sứ quán tại Việt Nam tham dự để nói với thế giới rằng: Thế giới đến với Việt Nam cùng kỷ niệm sinh nhật Hà Nội 1000 năm. Đến một bảo tàng sống trong 4 ngày để thể hiện sự giao thoa văn hóa các dân tộc trên thế giới.


CÂU LONG BIÊN
Đó là ý tưởng tổng thể. Ý tưởng đó sẽ được cụ thể bằng các hoạt động như thế nào ?
- Chiều dài cây cầu sẽ được chia làm 10 đoạn, mỗi đoạn tương ứng với một thế kỷ. Theo chiều đi bộ từ Long Biên sang Gia Lâm, từ 1010 - 2010 là Cây cầu của ký ức mà ở đó, mỗi thế kỷ sẽ được trang trí với nhiều loại hình nghệ thuật: trang phục cổ, tranh ảnh, hiện vật... Chiều đi bộ từ phía Gia Lâm về Long Biên sẽ được dành để thể hiện Cây cầu của ước mơ, biểu tượng của hoà bình, hội nhập và tương lai tươi sáng, trưng bày tranh, ảnh, kết đèn, hoa, cờ của 69 quốc gia trên thế giới, các dự án quy hoạch Hà Nội, thành phố hai bên sông Hồng…

Vẫn là một Lễ hội ngoài trời với các trưng bày tranh, ảnh, nghệ thuật đương đại…Vậy điều khác biệt của Festival lần này là gì?

- Festival lần này sẽ diễn ra trong 4 ngày với 4 chủ đề khác nhau. Năm ngoái, Festival tạo điểm nhấn ở hội họa thì năm nay điểm nhấn sẽ là âm nhạc. Hơn nữa, năm nay, song song với các hoạt động tại cầu Long Biên, sẽ có một hành trình lịch sử của dân tộc VN được kể bằng một cuộc du hành, trình diễn âm nhạc trên các dòng sông từ Hoa Lư tới Thăng Long- Hà Nội và kết thúc tại Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc khác mà trong đó sự tham gia của mỗi cá nhân giữ vai trò quan trọng. Mỗi người tham dự sẽ là một tác phẩm trong bức tranh nghệ thuật chung. Chúng tôi đề cao vai trò của mỗi cá nhân và khuyến khích họ thể hiện bản thân khi tham gia Lễ hội bằng nhiều cách để góp phần chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc.

Festival chú trọng yếu tố an ninh

Festival lần trước diễn ra quá nhiều hoạt động trong một không gian hẹp. Festival lần này cũng có rất nhiều hoạt động vẫn trên một không gian như vậy. Bà có nghĩ rằng người xem sẽ khó tập trung và các hoạt động sẽ bị loãng?

- Từ trước đến giờ, mọi người mới chỉ quen một kiểu là ngồi xem trên sân khấu. Trong khi Festival thực ra xảy ra trên một vùng, một thành phố, một không gian rộng. Bây giờ mình phải học cách đi hội. Festival đương nhiên sẽ có rất nhiều hoạt động. Người xem phải biết cách sắp xếp xem sẽ xem hoạt động gì, ở đâu vào lúc nào. Mọi người cần học cách tham gia một Lễ hội một cách chủ động. Cầu Long Biên không hẹp cho một Lễ hội vì nó không chỉ tổ chức nhiều hoạt động ở một chỗ. Cây cầu giống như một bảo tàng sống để mọi người chiêm ngưỡng.

Bên cạnh đó, việc người xem chen chúc đi xem, hàng nghìn người trên một cây cầu chắc chắn đặt ra vấn đề an ninh rất lớn. Festival lần này đã rút được kinh nghiệm gì từ Festival trước và sẽ làm gì để người đi xem hội an tâm hơn?

- BTC rất chú trọng vấn đề an ninh. Mặc dù năm ngoái không có sự cố gì nhưng năm nay BTC sẽ cẩn thận hơn rất nhiều. Số lượng người dân đi lên cầu sẽ được kiểm soát. Một việc quan trọng khác nữa là các loại xe sẽ được gửi hết về phía Gia Lâm để tránh ách tắc về phía Hà Nội. Sẽ tổ chức lại việc gửi xe, giao cho phường phía bên Gia Lâm tổ chức bãi đậu xe. Người đi xem lễ hội sẽ không bị gửi xe với giá cắt cổ.

Mở ra một sứ mệnh mới cho cầu Long Biên

Bà có tự tin rằng Festival lần này sẽ thành công?
- Nếu không tự tin, tôi đã không bỏ tất cả tài sản, công việc, thời gian để xây dựng và thực hiện dự án này. Người Hà Nội có truyền thống thanh lịch, lịch lãm. Fesival này là của họ, không phải của tôi. Tôi chỉ tạo ra cho họ cái cớ, tạo ra không gian để họ thể hiện bản thân và thể hiện tình yêu với Hà Nội.

Bà kỳ vọng điều gì khi tổ chức các Festival đều chọn địa điểm là cầu Long Biên?

Tôi nghĩ sứ mệnh giao thông của hơn 100 năm trước đã đến hồi kết thúc. Cầu Long Biên cần có một sứ mệnh mới là sứ mệnh nhân chứng lịch sử, văn hóa và du lịch cho tất cả các thế hệ mai sau của một Việt Nam đang hội nhập và phát triển. Mong ước của tôi khi về đây làm festival là tạo ra cho HN một trục văn hóa lịch sử - nơi diễn ra tất cả hoạt động văn hóa du lịch để bạn bè thế giới nhìn thấy và biết đến cây cầu đó như một biểu tượng của một dân tộc anh hùng

[I][Xin cảm ơn bà!/I]
Theo báo lao động