'Sóng thần' từ mặt trời đang hướng tới trái đất

Một vụ nổ lớn vừa xuất hiện trên mặt trời và đám mây vật chất khổng lồ do vụ nổ gây nên có thể tới địa cầu vào bất kỳ thời điểm nào kể từ hôm nay.

Mô phỏng những quầng lửa thoát ra từ mặt trời. Ảnh: NASA.

Telegraph cho biết, nhiều vệ tinh nhân tạo, trong đó có tàu Solar Dynamics Observatory của Mỹ, phát hiện vụ nổ lớn tại một điểm đen trên mặt trời vào ngày 1/8. Các nhà thiên văn trên toàn cầu chứng kiến cảnh tượng những quầng lửa khổng lồ có kích thước tương đương trái đất bùng ra phía ngoài mặt trời. Họ cho rằng vụ nổ khiến từ trường tăng mạnh mẽ trên khắp bề mặt của nó.

Theo Newscientist, vụ nổ tạo một đám mây khổng lồ gồm các hạt mang điện tích mà các nhà thiên văn gọi là "sóng thần mặt trời" hay bão từ. Những hình ảnh do tàu Solar Dynamics Observatory gửi về cho thấy, do vụ nổ diễn ra ở điểm đen hướng về phía trái đất, "sóng thần mặt trời" đang tiến thẳng về phía địa cầu và có thể vượt qua quãng đường khoảng 150 triệu km.

Khi đám mây điện tích gặp tầng khí quyển bên trên của trái đất, sự tương tác giữa chúng sẽ tạo nên vô số cực quang (những dải sáng có màu sắc rực rỡ) trên bầu trời. Ngoài ra "sóng thần mặt trời" còn có thể gây tê liệt hoạt động của các vệ tinh nhân tạo, phá hoại hệ thống điện và viễn thông. Hồi tháng 4, một vệ tinh mang tên Galaxy 15 của hãng Intelsat ngừng hoạt động vĩnh viễn vì bão mặt trời. Kể từ hôm nay, "sóng thần mặt trời" có thể tới trái đất vào bất kỳ thời điểm nào.

Giới khoa học tin rằng trái đất sẽ hứng chịu một lượng hạt mang điện tích lớn chưa từng có từ mặt trời vào năm 2013 sau khi chu kỳ hoạt động của mặt trời bước vào giai đoạn cao trào mới.

Minh Long

Tối nay 'sóng thần mặt trời' đổ xuống trái đất


Người dân ở các vĩ độ cao có thể chiêm ngưỡng cực quang kỳ ảo tối nay, sau khi đám mây hạt mang điện tích từ mặt trời tiếp vào bầu khí quyển của chúng ta.


Cực quang thường xuất hiện ở Canada. Ảnh: bestpicturegalary.com.

Space cho biết, vụ nổ trên bề mặt của mặt trời vào ngày 1/8 khiến một đám mây plasma khổng lồ vào vũ trụ. Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất (ba trạng thái khác là rắn, lỏng, khí) trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Phần lớn nguyên tử hay nguyên tử chỉ còn lại hạt nhân, còn các electron chuyển động tương đối tự do giữa các hạt nhân.

“Đám mây plasma tiến thẳng về phía địa cầu và có thể tới hành tinh của chúng ta vào ngày 4/8. Chúng ta có cơ hội xem nhiều thứ rất đẹp vì đám mây plasma tạo ra cực quang khi tiến vào tầng khí quyển ngoài cùng của trái đất”, Space dẫn lời Leon Golub, một nhà khoa học của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, Mỹ.

Cực quang - những dải sáng nhiều màu sắc trên trời - thường xuất hiện ở Canada và bang Alaska của Mỹ. Nhưng trong ngày 3/8 và 4/8, người dân ở phía bắc nước Mỹ cũng có thể chiêm ngưỡng những dải sáng màu xanh lục và đỏ.

Ngoài cực quang, sự tương tác giữa các hạt mang điện tích từ mặt trời với từ trường trái đất có thể tạo nên các cơn bão địa từ hoặc những đợt nhiễu động trong quyển từ của địa cầu. Mặc dù con người chỉ nhìn thấy cực quang trắng ở những khu vực có vĩ độ cao, song chúng có thể xuất hiện ở những vĩ độ thấp trong cơn bão địa từ.

Hoạt động của mặt trời luôn tăng và giảm theo chu kỳ mà các nhà khoa học có thể dự đoán. Thông thường, một chu kỳ kéo dài khoảng 11 năm. Giai đoạn chuyển tiếp từ thời điểm hoạt động yếu nhất tới thời điểm mạnh nhất vào khoảng gần 5,5 năm.

Thời điểm mà hoạt động của mặt trời đạt mức cực đại gần đây nhất diễn ra vào năm 2001. Vụ nổ ngày 1/8 là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy mặt trời đang bừng tỉnh sau một thời gian nghỉ ngơi và hướng tới một giai đoạn hoạt động mạnh tiếp theo.

Minh Long