Sự tiết chế bản thân.!




Bạn nào từng học võ Thiếu Lâm, hoặc mê chuyện võ thuật, hẳn sẽ biết đến đòn đánh gọi là “Ngũ Trảo”. Năm ngón tay chụm lại rắn như đinh móc, đối phương dính đòn chỉ có quằn quại. Tập đánh Ngũ Trảo công phu lắm. Ban đầu, dung 5 ngón tay tập nhổ đinh đóng vào cây chuối, từ đinh ngắn đến đinh dài. Ai công phu hơn nữa thì tập nhổ đinh đã đóng vào tường. Nhổ được đinh mười phân đóng vào tường, thì đánh Ngũ Trảo cứ gọi là mạnh như máy xúc.

Thời mới học võ, chưa qua hết bộ Ngũ Hành, đứng tấn còn nhấp nhổm, chúng tôi đã lén lút tập “ngũ trảo”. Chỉ là nhổ đinh đóng vào cây chuối thôi, nhưng đứa nào nhổ được là vênh vang lắm. Thầy biết, không ngăn, nhưng kể rằng. Có một anh chàng luyện độc chiêu Ngũ Trảo, ngày qua ngày chỉ nhổ đinh mười phân đóng vào tường. Một hôm đang tập, ngoảnh sang thấy đứa con ngồi chơi bên cạnh, mũi xanh chảy thò lò, bèn đưa tay vắt mũi cho con. Kết quả dứt đứt bay cái mũi của con mình.

Thầy giáo bảo đây không phải là chuyện tiếu lâm. Có lần thầy làm trọng tài cho một trận bong đá, cầu thủ 2 đội gây gổ rồi cuối cùng xông vào nhau. Thầy đứng giữa can ngăn, một cậu táo tợn đấm vào mặt thầy. Thầy chỉ đưa tay đỡ, rồi ngay sau đó phải đưa cậy ấy đi viện vì cậu ta bị gãy tay. Cú đỡ đòn nhẹ nhàng nhu mì của người có võ, vô tình làm bị thương người tấn công.

CAầu thủ Ronaldo (là anh R9 người Brazil, chứ hông phải anh CR7 đỏm dáng của Bồ Đào Nha) có lần nói khi bị hỏi về sức mạnh và tốc độ của một cầu thủ “chân tiền”: Sức mạnh là vô nghĩa nếu thiếu đi khả năng kiềm chế. Khi đọc được câu này, tôi ghi luôn vào đầu, nghĩ rằng, anh R9 quả là một cầu thủ triết gia. Công phu của anh ấy phải nói là đạt đến cảnh giới cao, đủ “xuyên qua ngàn hoa không phiến lá”. Sau này anh R9 có nhiều chuyện riêng tư rắc rối, có lúc còn bị chê là Rô béo, nhưng với tôi, triết lý thể thao của anh là vô cùng đáng phục.

Thầy giáo của chúng tôi, nhà ở chân núi Ngự Bình, sau cú đỡ khiến anh cầu thủ ra đòn bị gãy tay, từ đó chọn cách bỏ chạy khi bị ai đó đánh. Có lần cầm còi ở giải bong đá thiếu niên, một cầu thủ lớp 8 nổi hung rượt trọng tài, thế là thầy cứ chạy quanh sân. Người biết chuyện, trông thấy cảnh một võ sư Thiếu Lâm, bị một cậu bé đuổi chạy dài, không khỏi buồn cười.

Sức mạnh mà không có khả năng kiềm chế đương nhiên là hết sức vô nghĩa, vì nó chỉ thuần là bạo lực. Người có lời nói có sức mạnh mà xuất ngôn không tiết chế thì không chỉ vô nghĩa mà còn gây hậu quả tổn thương, trở nên vô ích. Nên, từ xưa, người ta đã lưu truyền câu :Đề phòng câu nói lúc sướng mồm”.

Thuở bé đi học võ vì muồn mình có võ công khiến xung quanh phải sợ. Nhưng rồi, những gì theo chúng tôi đi mãi, lại không phải là những đòn ngũ trảo, mà là bài học về sự tiết chế bản thân mình.



_HHT 835_