Đạo đức học đường và kỹ năng sống

Trong những năm gần đây, đặc biệt vài tuần qua, sau vụ việc nữ sinh Hà Nội đánh bạn quay clip phát tán lên mạng, trên các diễn đàn, trang web xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng tương tự cùng những ý kiến thể hiện quan điểm nhìn nhận vấn đề khác nhau.

Dẫu chuyện trẻ con bắt nạt bạn vẫn diễn ra từ xưa đến nay, nhưng trong những vụ đang gây xôn xao dư luận đã xuất hiện những điều rất không bình thường: sự thản nhiên trước việc làm sai trái của bản thân và bạn bè, sự thờ ơ của xã hội đối với những hành vi không đúng đắn. Lên án và lo lắng là tâm trạng chung của những ai quan tâm tới vấn đề này, song làm thế nào để ngăn chặn những hành vi tương tự?

Bài 1: Một xu hướng lệch lạc

Trao đổi với chúng tôi sau khi xảy ra vụ việc, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đồng thời là người sáng lập, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, nơi nhận giáo dục những học sinh (HS) bị từ chối ở các trường khác, TS Nguyễn Tùng Lâm trăn trở trước thực trạng cha mẹ, giáo viên và những người lớn trong xã hội chưa thực sự thấu hiểu tâm sinh lý của HS ở lứa tuổi này. Bởi thế, các lực lượng tham gia giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS chưa có phương pháp giáo dục phù hợp. Những việc làm của các em là đáng trách nhưng cũng đáng thương, bởi chúng đang khẳng định bản thân một cách thiếu hướng dẫn.

"Nhân chi sơ, tính bản thiện"

Các con số thống kê những năm gần đây đều cho thấy, những hành vi lệch chuẩn của thanh, thiếu niên (TTN) xuất hiện ngày càng nhiều. Đáng nói là, sự "lệch chuẩn" không chỉ là vi phạm các quy định trong nhà trường mà còn là vi phạm các chuẩn mực luật pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2005 đến năm 2008, tổng số vi phạm pháp luật hình sự trong học sinh, sinh viên khoảng hơn 8.000 trường hợp, trong đó các hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng hơn 2.000 trường hợp; 815 trường hợp tội phạm ma túy; 83 vụ giết người; 1.372 vụ cướp tài sản; 1.117 vụ xâm hại sức khỏe, tính mạng. Nỗi đau đạo học còn thể hiện ở nhiều hành vi khá phổ biến trong HS như bạo lực trong nhà trường, hành hung thầy, cô giáo, vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác, không dám đấu tranh với cái sai... Trong đó, có một thực tế đã được PGS-TS Nguyễn Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tổng kết trong một đề tài nghiên cứu là: Hiện tượng HS THPT giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng bạo lực, thậm chí ngày càng nhiều HS nữ tham gia, khá phổ biến. Những clip được phát tán gần đây trên mạng đã chứng minh nhận định này của các nhà tâm lý giáo dục.


Học sinh cần được rèn luyện tốt cả về nhân cách và tri thức. Ảnh: Viết Thành


Người xưa có câu "Nhân chi sơ, tính bản thiện", vậy tại sao có tình trạng trên? Những nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn của HS trong đó có bạo lực học đường mà như quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, cần gọi đúng là "bắt nạt" bạn đã được chỉ ra trong nhiều nghiên cứu, hội thảo, trên diễn đàn. Gia đình thiếu quan tâm, bố mẹ mải mê với công việc, lơi lỏng trách nhiệm giáo dục con cái, ít có thời gian gần gũi, chia sẻ với con, thậm chí thiếu gương mẫu trong cuộc sống... đã tác động tiêu cực tới quá trình phát triển nhân cách của HS. Môi trường thứ 2 góp phần quan trọng trong việc giáo dục và rèn luyện con người là nhà trường cũng chưa làm thật tốt chức năng "dạy người". Công tác quản lý HS chưa tốt, nội quy, kỷ luật nhà trường chưa nghiêm, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, chương trình giáo dục chưa phù hợp... là những điểm yếu hiện nay trong công tác giáo dục đạo đức. TTN là lứa tuổi phát triển mạnh về giao tiếp và các mối quan hệ xã hội bên ngoài, chịu ảnh hưởng của bè bạn, của xã hội nhiều hơn của bố mẹ nhưng khả năng tự chủ, tự kiềm chế kém, trong khi đó những tiêu cực của xã hội, như tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, các giá trị, chuẩn mực xã hội, văn hóa truyền thống của dân tộc bị xói mòn; điểm vui chơi lành mạnh thiếu; văn hóa phẩm độc hại du nhập ngày một nhiều cùng sự bùng nổ về thông tin... nên chúng dễ chịu những tác động xấu.

Lẽ dĩ nhiên, cũng có những yếu tố chủ quan của bản thân HS mà theo Thạc sĩ Hoàng Gia Trang (Viện Chiến lược giáo dục Việt Nam) công bố trong một hội thảo khoa học về tâm lý giáo dục thì có một bộ phận HS ý thức được việc làm không đúng của mình nhưng vẫn thực hiện để thỏa mãn nhu cầu cá nhân nào đó.

Hiểu để tác động đúng

Hiệp hội Các nhà tâm lý học học đường Mỹ khẳng định rằng, trẻ em và TTN trong một thời điểm nào đó của thời HS đều có khả năng gặp phải một hoặc một số vấn đề như sợ phải đi học, khó quản lý thời gian hiệu quả, thiếu khả năng tự kỷ luật, lo âu, trầm cảm... Những khó khăn đó xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi mà không phải thầy, cô giáo và cha mẹ nào cũng hiểu để có sự giúp đỡ, giáo dục đúng. Bởi thế, có nhiều HS đã giải quyết mâu thuẫn với bè bạn hoặc chỉ là để khẳng định "cái tôi" cá nhân bằng những hành vi mang tính bạo lực.



Học sinh cần được rèn luyện và học tập trong môi trường tốt nhất.


TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ở lứa tuổi "nửa trẻ con, nửa người lớn", các em có xu hướng khẳng định cá tính của mình. Có thể là say đàn hát, mê đá bóng, thích học giỏi nhưng cũng có thể là ăn mặc khác người, thể hiện mình là "đại ca" hoặc hiểu biết những "chuyện người lớn" hơn chúng bạn. PGS-TS Nguyễn Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cùng chung nhận xét: "Đặc điểm nổi bật nhất của lứa tuổi HS THPT là sự phát triển tự ý thức, có đời sống tình cảm, xúc cảm phong phú, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống, suy nghĩ chưa đúng đắn nên có thể có hành vi bạo lực với người khác khi có mâu thuẫn, xung đột. Vì vậy, cần giúp các em thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi để giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực, mang tính xây dựng".

Kết quả đề tài nghiên cứu khoa học "Thực trạng biểu hiện của một số xúc cảm và kỹ năng đương đầu với xúc cảm tiêu cực ở thiếu niên" do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện cho thấy, hiện tượng bạo lực học đường, hành vi xâm khích, gây hấn, gây rối trật tự xã hội của TTN gia tăng có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do trẻ thiếu khả năng chế ngự các cảm xúc bản thân. Nhìn từ góc độ giáo dục, các nhà tâm lý học giáo dục cho rằng, HS ít được quan tâm trong việc hình thành, nuôi dưỡng, phát triển những kỹ năng kiểm soát, kỹ năng biểu hiện một cách có văn hóa xúc cảm của mình. Thầy cô thì cho rằng đó là việc của giờ giáo dục công dân nên thuộc trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm hoặc là công việc của giáo viên dạy các môn nghệ thuật. Còn trong gia đình vẫn tồn tại khá phổ biến quan điểm cực đoan, như tuyệt đối hóa quyền lực giáo dục của cha mẹ hay thiên về các phương pháp giáo dục nghiêm khắc, áp đặt, thậm chí dùng vũ lực hoặc bỏ mặc con cái với những cảm xúc tiêu cực của chúng. Bởi thế, khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, các em không biết cách đương đầu.

Số liệu khảo sát trong đề tài nghiên cứu này cũng lý giải vì sao, trong các clip nữ sinh đánh bạn, không có sự can ngăn của những người chứng kiến. Khi được hỏi em sẽ làm gì khi thấy bạn gặp khó khăn thì có đến gần 28% HS chọn cách "lảng tránh" với những câu trả lời như "Em chả làm gì, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi vì trong đời học sinh ai chẳng có lúc như thế", "Thờ ơ", "Tham gia vào thêm rắc rối", "Em sẽ phớt lờ"... Những câu trả lời đó cho thấy kỹ năng đồng cảm của HS kém hoặc hầu như không có. Nhưng lỗi không hoàn toàn ở các em.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của nhà trường

(HNM) - Tuần qua, Trường THPT Trần Nhân Tông và Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng (hai trường có HS liên quan tới vụ video clip nữ sinh đánh bạn được phát tán trên mạng) đã họp hội đồng kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với 8 HS có liên quan, trong đó Trường THPT Trần Nhân Tông có 7 HS, Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng có 1 HS. Các hình thức kỷ luật với HS được đánh giá là thỏa đáng, phù hợp với từng mức độ vi phạm và tạo cơ hội cho các em sửa chữa khuyết điểm. Tuy vậy, đây mới chỉ là các mức kỷ luật dành cho HS, chưa có sự kiểm điểm trách nhiệm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm các lớp có HS tham gia vụ việc.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng vừa có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông và THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng báo cáo kết quả kiểm điểm và hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng HS tham gia vụ việc trên theo quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường; yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông kiểm điểm trách nhiệm trong việc tổ chức giáo dục, quản lý HS và ứng xử khi xảy ra sự việc; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp có HS tham gia nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn bộ đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và hội đồng giáo dục nhà trường.

Cũng theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố, các trường cần có biện pháp tiếp tục theo dõi, giúp đỡ để những HS tham gia vụ việc không tái phạm, đồng thời tăng cường quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho tất cả HS nhà trường, kịp thời ngăn ngừa các hành vi sai trái tương tự.

Được biết, ngay trong ngày hôm nay - 22-3, Sở GD-ĐT có cuộc làm việc với Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông và Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng để kiểm điểm rõ trách nhiệm của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường khi để xảy ra vụ việc trên và sẽ báo cáo kết quả kiểm điểm tới lãnh đạo thành phố trước ngày 31-3-2010 theo đúng chỉ đạo.