(CATP) Ai đã từng cắp sách đến trường đều ít nhiều hiểu cái nghịch ngợm, hiếu động, chọc phá của học trò. Tuy nhiên, việc một số học sinh (nhất là nữ) “xử” nhau như thời gian gần đây thì quả đáng báo động. Bạo lực học đường không còn đơn giản là đánh lộn kiểu túm tóc, giật áo, mà đang dần nhiễm thói côn đồ, mưu mô, vượt ra ngoài phạm vi nhà trường và lứa tuổi học trò…

Tuổi teen nổi loạn

Giáo dục pháp luật là nội dung không thể thiếu góp phần ngăn chặn bạo lực học đường

Trong khi clip nữ sinh trường Trần Nhân Tông (Hà Nội) “xử” nhau còn đang gây xôn xao thì mới đây, cũng tại Hà Nội, một học sinh bị chém trọng thương khiến dư luận bàng hoàng. Trưa 17-3-2010, em Nguyễn Minh T. (học sinh khối 11, trường Victoria Hoàng Diệu, phố Đội Cấn, Q.Hai Bà Trưng) đang cùng nhóm bạn đứng trước cổng trường thì bị một đám thanh niên đến gây sự. Trong lúc cự cãi, một đối tượng rút dao chém T., phải đưa đi cấp cứu.
Nguyên nhân T. bị chém là do mâu thuẫn với học sinh cùng trường. Một ngày sau, chiều 18-3, nhiều người dân TP. Pleiku (Gia Lai) chứng kiến cảnh gần trường THPT Phan Bội Châu: một nhóm nữ sinh với hung khí là gậy gộc trên tay vây đánh một người bạn gây thương tích nghiêm trọng. Chỉ đến khi lực lượng công an có mặt, nạn nhân (là một học sinh khối 10 trường THPT Phan Bội Châu) mới được giải thoát. Các nhân chứng cho biết, trước đó, nữ sinh Nguyễn Thị Thúy L. (học lớp 11) cũng bị nhóm nữ sinh này đánh. Ban giám hiệu trường đang tích cực phối hợp cùng cơ quan công an làm rõ nguyên nhân các vụ hành hung hội đồng trên.
Nghiêm trọng hơn, có học sinh chỉ vì xích mích nhỏ mà phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Do cùng “thương” một bạn gái trong trường nên trưa 25-2-2009, Trần Văn Hiền (học sinh khối 10, trường THPT Trần Văn Bảy, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) đã dùng dao đâm bạn là Nguyễn Văn Hóa tử vong. Trước đó, tháng 1-2009, cũng vì chuyện trai gái mà Nguyễn Hữu Huy (học sinh trường bán công Thái Phiên, Quảng Nam) đâm chết bạn học và chịu án phạt 12 năm tù giam. Thật đau lòng khi phải nhắc đến hai cô học trò lớp 7 ở Củ Chi dùng tay chân ẩu đả nhau đến nỗi một em thiệt mạng...
Không chỉ học trò “xử” nhau, thời gian qua còn liên tục xảy ra nạn học sinh đánh thầy giáo gây bất bình trong xã hội. Ngày 23-2-2010, thầy Trần Minh Hảo đang đứng lớp thì Phan Đình H. (HS lớp 7 một trường THCS ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đòi mở quạt. do trời lạnh, thầy không đồng ý nhưng H. vẫn cố tình làm và có lời lẽ xúc phạm thầy. Không chỉ thế, khi tan học H. còn kêu thêm bạn và em mình (cũng là học sinh trong trường) dùng dao uy hiếp, đòi đánh thầy, nhưng được mọi người can ngăn kịp thời. Trước đó không lâu, ngày 18-1, một học sinh lớp 7 trường THCS A.C (Châu Thành, An Giang) là Nguyễn Hồng T. vi phạm nội quy trong giờ học, bị thầy Cao Hữu P. phát hiện, mời tổng phụ trách đội đến xử lý. Bực tức, T. xông đến đánh thầy gục tại bục giảng. Mới đây, ngày 2-2-2010, TAND huyện Long Mỹ, Hậu Giang mở phiên tòa lưu động tại trường THPT Long Mỹ, tuyên phạt Trần Đăng 36 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày 3-9-2009, Đăng đến quán cà phê ở thị trấn Long Mỹ uống nước với bạn thì gặp thầy P. và cô L. (đều là giáo viên của trường) đang ngồi tại đây. Nhớ lại hồi trước có lần quay cóp bài bị thầy P. lập biên bản nên Đăng nảy sinh ý định trả thù, cầm hai ly thủy tinh trên bàn chạy đến đập vào mặt thầy P. gây thương tật 25%. Rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi lo ngại và đặt ra những câu hỏi lớn về chất lượng giáo dục, đạo đức, lối sống, nhân cách thế hệ trẻ hiện nay.

Người lớn không là tấm gương
Tuổi học trò, nhất là học sinh cấp 2 - 3 đang trong giai đoạn có sự thay đổi lớn về tâm - sinh lý. đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng. Sự quan tâm, giáo dục đúng hướng là tối cần thiết để định hình thế giới quan và nhân sinh quan, là cơ sở tạo nên lối hành xử của các em sau này. Một trong những yếu tố quyết định hàng đầu là gia đình, là cái “khuôn” đúc nên “hình hài” con người. Vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình, nhất là các bậc phụ huynh phải thực sự là tấm gương sáng để các em noi theo. Thế nhưng hiện nay có nhiều tổ ấm đã nguội lạnh với những tấm gương không còn sáng. Lối sống, cách nuôi dạy, thậm chí lời nói, suy nghĩ của các bậc phụ huynh thiếu chuẩn mực, không hợp với đạo đức, pháp luật đã góp phần đưa đẩy các em nhận thức lệch lạc, là nguyên nhân phát sinh nhiều hệ lụy. Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra mà học sinh tham gia hầu hết đều thuộc diện cá biệt. Chẳng hạn như học sinh đâm em T. trước cổng trường Victoria Hoàng Diệu (Hà Nội) đã nêu trên, bố mẹ bỏ nhau, bản thân em sống lang thang. Hay như em H. (ở Hà Tĩnh) nhiều lần đe dọa đánh thầy Hảo cũng thuộc diện cá biệt. Lẽ ra em đã lên lớp 9 nhưng do chơi bời, lêu lổng nên giờ mới học lớp 7.

Bên cạnh nhiều “tổ ấm” hiện nay đang bị chao đảo trong cơ chế “thoáng”, hệ thống nhà trường, bộ mặt xã hội cũng đang tồn tại nhiều bất cập, tác động rất lớn đến học sinh. Trường học trong cơ chế thị trường, đồng tiền can thiệp quá sâu khiến người thầy cũng phần nào mờ đi tình cảm trong sáng, tình yêu thương học sinh đang bị bào mòn. Bệnh thành tích, nạn học thêm, dạy thêm tràn lan... đã biến không ít giáo viên chạy theo màu kim tiền, nặng về giáo dục kiến thức mà coi nhẹ việc dạy đạo đức. Lo ngại nhất là lối sống, văn hóa bạo lực, thực dụng, hành vi không phù hợp với lễ nghĩa, thuần phong mỹ tục của dân tộc đã và đang tiêm nhiễm giới trẻ một cách nhanh chóng. Hiện nay, chỉ một cái click chuột là “cả thế giới nằm trong lòng bàn tay” khiến việc kiểm soát những sản phẩm văn hóa, trò chơi độc hại càng trở nên khó khăn.

Bạo lực học đường đang ngày càng bùng phát, có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Giải quyết vấn nạn này là trách nhiệm của tất cả mọi người. Trước tiên, mỗi gia đình cần thật sự là tổ ấm, từng thành viên phải là tấm gương mẫu mực để con em noi theo. Nhà trường và xã hội phải chung tay bài trừ thói hư, tật xấu; xử lý nghiêm phải đi đôi với giáo dục bằng tình yêu thương.