Long Hình Quyền

Con rồng Trung Hoa không tương quan với con rồng phun lửa Tây Phương và loại khủng long thời tiền sử. Nó chỉ đích thực là sản phẩm của tinh thần tín ngưỡng và được nhắc trong các kinh sách nhà Phật như một linh vật có toàn năng ẩn hiện, biến hóa.

Theo kinh sách cổ, rồng sống ngoài biển cả tùy theo ý muốn của nó, rồng sẽ hiện ra hoặc biến đi. Người Trung Hoa thường cho rằng rồng có sứ mạng phun nước làm mưa và vào những lúc thực hiện sứ mạng này, rồng sẽ hiện hình trong mây. Thân hình con rồng Trung Hoa tương tự như thân hình loài rắn nhưng có vẩy phủ kín. Chân tay rồng giống như loài rắn mối, phần cuối có vuốt sắc nhọn. Đầu rồng thì gần như đầu rắn.

Võ công Thiếu Lâm phát nguyên từ Phật giáo nên rồng trở thành một ứng viên hoàn hảo biểu thị những nét đặc sắc của Ngũ Hình Quyền. Do mang tên của con vật thần bí này, Thiếu lâm Long Hình Quyền đã vượt quá thế giới thực tế dễ nhận biết của các công phu rèn ngoại lực và xâm nhập thế giới tinh thần của các năng lực nội tại, nhưng dù biểu thị cho nội lực, rồng vẫn đóng góp hữu ích cho việc rèn ngoại lực.

Rồng vốn không có mặt trong thực tế nên nhiều kỹ thuật của rồng chỉ là biến dị những đặc trưng thuộc kỹ thuật của các con vật khác. Chẳng hạn, động tác Long Hình Quyền thường mềm mại và uốn vòng tương tự cử động của loài rắn, dù không hoàn toàn giống.

Tuy nhiên, không hề có sự lẫn lộn giữa Long Hình Quyền và Xà Hình Quyền trong võ công Thiếu lâm. Dù cả hai giống loài rắn mối, nhưng rắn không có chân còn vuốt rồng tạo thành một yếu tố quan trọng trong cách thế chiến đấu của rồng.

Trong khi Xà Hình Quyền gồm nhiều động tác mềm mại uốn khúc và tấn công bằng đầu ngón tay thì Long Hình Quyền được biểu hiện bởi các động tác mềm mại xoay vòng và kết thúc bằng một đòn cương mãnh đột ngột. Rắn chỉ vận dụng riêng Nhu lực còn rồng vận dụng một sức mạnh phối hợp cả Cương lẫn Nhu.

Do con rồng có móng vuốt, gọi là Trảo, nên Long Hình Quyền có một kỹ thuật trảo thủ đôi khi có thể lẫn với cách sử dụng móng vuốt của Hổ. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt Long Trảo với Hổ Trảo qua các đặc trưng là Long Trảo chủ về vồ chụp trong khi Hổ Trảo chủ về cào xé. Kỹ thuật Long Trảo không đánh từ trên xuống để xé toạc đối thủ mà mềm mại hơn, nhắm trước hết tới việc khóa hoặc lôi giựt.

Kỹ thuật căn bản biểu hiện Long Hình Quyền và Long Trảo. Nhưng không hẳn mọi động tác tay trong Long Hình Quyền đều thuộc về Trảo, mà vẫn có những đòn tấn công bằng ức bàn tay và nắm tay tức Chưởng và Quyền. Long Trảo chỉ là kỹ thuật tay thường được sử dụng nhất. Đặc điểm của kỹ thuật Long Trảo là giữ trảo thủ ở vị trí ngang bằng trù bị thuận lợi cho việc vồ chụp một bộ phận nào đó trên người đối thủ như tay, tai…

Long Hình Quyền nổi tiếng với nhiều trảo thủ khác biệt như :

- Thần Long Triển Trảo : Trảo thủ nghiêng về một bên, di động qua lại theo đường chân trời, luôn nhắm vào sườn đối thủ, sử dụng vùng thắt lưng để phát lực.

- Kim Long Thí Trảo : Dùng cả hai tay tạo thế khóa kép, lấy cùi chỏ áp chế cánh tay đối thủ và có thể bẻ gãy, nếu cần.

- Thần Long Nhập Hải : Khởi đầu như một thế chộp bằng cả hai trảo thủ rồi dồn hết sức nặng lôi cho đối thủ mất thăng bằng và đả bại.

Mặc dù Trảo Thủ thường được sử dụng nhiều nhất trong Long Hình Quyền nhưng các đòn đánh bằng Quyền và Chưởng vẫn được lưu ý tới. Sau đây là một số thế Quyền trong Long Hình Quyền :

- Ô Long Bái Vĩ : Tương tự một trái đấm ngược xoay vòng, sử dụng vùng thắt lưng như một động tác quật đuôi để phát lực.

- Thanh Long Xuất Hải : Là một trái đấm xoay tròn. Một tay lôi đối thủ về phía trước, khi trái đấm công tới.

- Kim Long Vọng Nhật : Đấm móc ngược lên từ phía trước với một tay phong tỏa trên đầu.

Kỹ thuật tấn công bằng Chưởng trong Long Hình Quyền gần giống Xà Hình Quyền, ngoại trừ điểm khác biệt là Long Hình Quyền dùng Trảo Công trong khi Xà Hình Quyền dùng Chỉ Công.

Long Trảo Công là phép luyện Long Trảo bao gồm các bài tập chủ tăng cường sức mạnh riêng cho bàn tay và cánh tay. Võ sinh luyện môn này nắm chặt những bình đất nặng và đưa lên từ từ. Lúc đầu nhưng chiếc bình để rỗng, nhưng sức mạnh sẽ được tăng dần bằng cách đổ thêm nước cho tới khi đầy tràn. Tiếp đó, nước sẽ được thay bằng cát rồi bằng đá với các thể khối và sức nặng lớn hơn.

Sự góp phần căn bản của Long Hình Quyền cho việc rèn tập Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền là việc luyện tập để triển Khí. Khí là những năng lực nội tại của cơ thể. Khi được triển khai đúng lúc, Khí có thể phối hợp với ngoại lực để đưa tới những tác dụng đáng kể. Chẳng hạn như tự thân long trảo vẫn có ngoại lực lớn nhưng luôn bị hạn chế bởi thể lực. Khi đưa Khí vào trảo thủ của mình, một võ sinh Ngũ Hình Quyền sẽ phát ra một lực mạnh gấp bội lần ngoại lực đơn thuần của trảo thủ.

Trong Long Hình Quyền, nhiều phương pháp triển khí có thể được ứng dụng. Một phương pháp quan trọng là hít thở đúng phép. Hít thở phải thư giãn, dùng phần dưới của cơ thể để hút hơi hơn là chỉ dùng riêng vùng ngực. Hơi thở không thể căng thẳng gấp gáp mà phải mềm mại, nhẹ nhàng. Khi thở đúng, hơi thở sẽ giúp chuyển khí về đan điền là vùng tập trung các nguồn nội lực cảu cơ thể. Thở đúng còn khiến thân thể mềm dẻo, nhẹ nhàng hơn do tình trạng chu lưu đều khắp của khí.

Kỹ thuật thở theo Long Hình Quyền ứng dụng trong chiến đấu là một loại hơi thở gắt và nhẹ, phần nào liên quan tới nguyên tắc Nhu tải Cương. Hơi thở đều nhẹ, tạm nghỉ cho tới khi tung đòn thì bật mạnh ra, phối hợp với sức đánh.

Trong việc luyện Long Hình Quyền, võ sinh phải giữ mềm mại, khoan thai để triển Khí tựa như đang tập Thái Cực Quyền. Hấp tấp, căng thẳng quá, Khí sẽ không lưu chuyển. Ngoại lực cương mãnh chỉ phát ra khi có một va chạm. Trong trường hợp ngược lại, võ sinh phải tập trung vào việc triển Khí để tạo một nội lực cần thiết đủ đối phó với mọi điều có thể tới. Võ sinh còn phải rập khuôn và biểu hiện những đặc tính của Rồng. Chẳng hạn, rồng có thể ẩn hiện. Dù võ thuật không thể giúp người ta biến hình, võ sinh vẫn phải thể hiện đặc tính này bằng cách gây loạn tinh thần đối thủ khiến đối thủ ngỡ mình tấn công ở phía này trong khi mình bất ngờ tấn công từ phía kia. Rồng lại có khả năng biến hóa nên võ sinh có thể dùng cả thân mình làm võ khí để trở thành lớn hơn hoặc chỉ sử dụng riêng mấy đầu ngón tay để tấn kích vào một điểm nhỏ trên người đối thủ. Rồng vốn có tiếng là di động được từ đáy biển tới không trung nên Long Hình Quyền đã truyền dạy cho võ sinh cả hai kỹ thuật là Xuyên (vân) và Nhập (hải).

Một phần tinh thần của rồng là ý. Tinh thần của việc triển khí là Thần. Võ sinh Ngũ Hình Quyền có thể dồn khí qua mắt để tạo ra Thần hoặc Ý. Thường, chỉ một cái nhìn cũng đủ khiến đối thủ phải khiếp hãi. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng hiểu nổi Thần vì điều kiện bắt buộc của việc này là một cơ thể cường tráng và một khí lực toàn triển.

Tóm lại, Long Hình Quyền đem cho con người một cổ xe mà bước lên đó, người ta sẽ thấy đích tới là sự phối hợp Nội năng với Ngoại lực để sản sinh một sức mạnh vô cùng đáng sợ.