Cách Mạng Tâm Thân: Một Đạo Sống Đầy Tin Yêu Xây Dựng



Con người là một động vật tình cảm, một phần tử trong cộng đồng xã hội, được sanh trưởng và nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh nhất định, nên luôn luôn nhận chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh và xã hội. Sự nhận chịu ảnh hưởng này đã tác động lớn lao tới mỗi cá nhân trong suốt đời người; và do đó, đã sinh tạo một ảnh hưởng ngược lại với cộng đồng. Sau một thời kỳ suy nhược lớn lao cần phải có một cuộc Cách Mạng Tâm Thân lớn lao để trở thành những con người minh mẫn, hùng mạnh và tiến bộ. Do đó, mới có trường hợp cả một thế hệ suy đồi hay tiến bộ. Thế hệ thanh niên thời Trần Hưng Đạo khác hẵn với thế hệ thanh niên Trần mạt, dù có một thiên tài chánh trị đứng ra lãnh đạo như Hồ Quý Ly, cũng không thể nào cứu vãn nổi. Lối học cử tử thời phong kiến và lối học thực dụng cá nhân (cần câu cơm) gần đây, chắc chắn phải đào tạo ra một thế hệ trí thức trẻ thích tiến thân bằng đường khoa cử.

Khác với cuộc cách mạng khác, cuộc Cách Mạng Tâm Thân lấy ngay con người làm khởi điểm và môi trường hoạt động. Phấn đấu với chính mình, để thêm tốt bỏ xấu, thêm hay bỏ dở, thêm thiện bỏ ác: đó là những nguyên tắc căn bản của cuộc Cách Mạng Tâm Thân.

Từ trước đến nay, những hình thức cách mạng con người đều được phân biệt làm 2 loại: Tâm và Thân riêng biệt. Triết gia, học giả và văn gia thì chú trọng tới Tâm, được thể hiện qua những chủ trương tự tu và "tu thân".

Trình Tử, với giai thoại tự tu bằng phương pháp kiểm điểm 2 lọ đậu đen và đậu trắng để chỉ ác và thiện, quấy và phải - mỗi ngày làm được một việc phải, tăng thêm một hạt đậu trắng; nếu làm việc quấy. Tăng thêm một hạt đậu đen, và ngược lại - đã chú trọng đến "tâm" mà quên "thân".

Cụ Chu Văn An, với thuyết "cùng lý, chính tâm, trừ tà, cự bế" cũng chỉ chú trọng đến "tâm" mà quên "thân".

Ngược lại, các vị tướng giỏi, các bậc võ sư nổi tiếng một thời, luôn luôn rèn luyện thân thể cường tráng và võ thuật tinh thuần, đã chỉ chú trọng đến "thân" mà quên "tâm".

Nhưng, có rất nhiều trường hợp tu dưỡng cả 2 mặt "tâm" và "thân" đáng để chúng ta suy ngẫm:

- Mahatma Gandhi, cả tuổi trẻ sống trong nô lệ, bất công và tàn bạo của thực dân thống trị, nhờ tu dưỡng tâm thân theo phương pháp Karma Yoga, mới có đủ hùng lực đề ra thuyết tranh đấu "bất bạo động", đã được tôn vinh lên bậc Thánh.

- Nhà bác học Thomas Edison, thuở nhỏ học dốt và kém trí nhớ, nhờ thân mẫu của ông chăm sóc giáo dục cho ông rất chu đáo về cả tâm lẫn thân, đã trở thành một nhà bác học lỗi lạc có trí nhớ mẫn tuệ, say mê làm việc, cho tới khi chết (thọ 84 tuổi) có 2.500 bằng phát minh.

- Cương Điền, thủy tổ Thiền đạo (Zendo), thuở nhỏ là một người yếu đuối, ai cũng nghĩ là "sẽ chết yểu", đã tự trau dồi tâm hồn và thân thể, trở thành người khỏe mạnh và sống lâu.

- Jigoro Kano, vị sáng tổ Nhu Đạo, lúc mới học võ quá yếu đuối và luôn luôn bị thảm bại trong các cuộc giao đấu, nhờ sự trau dồi, luyện tập cả tâm hồn và thân thể, đã trở thành một võ sư sáng tổ một võ phái.

- Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc, trải bao phen tủi nhục trước sự thất bại ê chề của các phong trào cách mạng đương thời và chính bản thân đã gặp bao trở ngại, thử thách từ thuở thiếu thời, nhờ Cách Mạng Tâm Thân đã trở thành vị Võ Sư Sáng Tổ Môn Phái Vovinam Việt Võ Đạo, bậc thầy khả kính của chúng ta.

Tóm lại, cuộc cách mạng của chúng ta có thể thâu gọn vào một nguyên tắc căn bản: luôn luôn tu dưỡng, trau dồi một tâm hồn minh mẫn, cao cả trong một thân thể hùng tráng, dẻo dai và luôn luôn "đặt bàn tay thép trên trái tim từ ái".

Trần Viết Hùng
(Bài này trích từ một đặc san xuất bản trước 1975)


Ghi chú: Tác giả Trần Viết Hùng là một môn sinh Hoàng Đai III Vovinam Việt Võ Đạo, trong thời kỳ sáng tác.
(Theo Thư Khố Vovinam VVĐ)