Nguyên Lý Cương Nhu Phối Triển



Theo nghĩa thông thường, cương là cứng rắn, nhu là mềm dẻo. Trong võ học, các võ phái thiên về cương có kỹ thuật cứng và mạnh, lấy sức làm chính, cách xử thế hùng dũng, quyết liệt, uy nghiêm. Các võ phái thiên về nhu có kỹ thuật linh hoạt, uyển chuyển, ít dùng sức, cách xử thế hòa nhã, khiêm cung, tế nhị. Các môn võ Việt Nam trước và nay không theo cương hay nhu nhất định mà biến hóa linh động tuỳ theo hoàn cảnh, thể tạng mỗi người và mỗi địa phương.
Trong cây Tre Việt Nam có cả hai tính chất cứng rắn và mềm dẻo nên có thể làm ra mũi tên (cứng) bắn đi xuyên qua da thịt, đồng thời cũng có thể làm ra cung (mềm dẻo) cong lại tạo ra sức bật bắn mũi tên đi. Tre còn dùng làm chông, hàng rào nhọn (cứng) nhưng cũng dùng làm đòn gánh (mềm dẻo) để gánh nước một cách nhịp nhàng không bị đau vai. Nhận thấy cây Tre, tượng trưng cho người Quân Tử, hội đủ hai tính cương nhu hợp thành một thể thống nhất, rất giống với bản chất và tính tình con người Việt Nam: nhún nhường nhưng ngay thẳng; hòa nhã mà uy nghiêm, cố võ sư Sáng Tổ Vovinam, Nguyễn Lộc, sau khi miệt mài nghiên cứu nhiều môn võ dân tộc và trên thế giới, đã lấy định luật Cương Nhu Phối Triển làm nguyên lý cho Vovinam-Việt Võ Đạo. Cương Nhu Phối Triển không chỉ đơn thuần là một sự bao hàm cả hai tính cương và nhu mà thật sự linh hoạt biến hóa vô cùng; lúc thì cương, lúc thì nhu; lúc vừa cương vừa nhu; lúc thì cương nhiều, nhu ít; lúc thì cương ít nhu nhiều tuỳ theo mỗi hoàn cảnh và tình huống.

Chúng ta hãy nghe vua Quang Trung, người đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp hiển hách, nói “Người mạnh là người biết mềm dẻo”. Nguyên lý Cương Nhu Phối Triển có thể được triển khai và áp dụng vào cách xử thế hằng ngày. Câu truyện “Vật báu trong túi hành trang của Khổng Tử “sau đây cũng nói lên cái đạo sống, lúc cương, lúc nhu, lúc nhanh, lúc chậm, lúc nghiêm trang, lúc ung dung của ngài; Sách Liệt Tử có chép rằng:

Tử Hạ hỏi Khổng Tử "Nhan Hồi người như thế nào, thưa ngài?"
Khổng Tử đáp "Cái Nhân của Hồi hơn ta."

Tử Hạ lại hỏi "Tử Cống là người như thế nào, thưa ngài?"
Khổng Tử đáp "Cái Mau Mắn của Tử hơn ta."

Tử Hạ hỏi thêm "Tử Lệ là người như thế nào, thưa ngài?"
Khổng Tử đáp "Cái Dũng của Do hơn ta."

Tử Hạ hỏi nữa "Còn Tử Trương là người làm sao, thưa ngài?"
Khổng Tử ôn tồn đáp "Cái vẻ Trang Nghiêm của Tử hơn ta."

Tử Hạ lấy làm lạ bèn thưa "Vậy tại sao bốn người ấy còn theo thầy mà học?"

Khổng Tử nói "Lại đây ta bảo cho. Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân. Tử chỉ biết mau mắn mà không biết chậm chạp. Do chỉ biết hùng dũng mà không biết nhút nhát. Sử chỉ biết trang nghiêm mà không biết ung dung để hòa đồng với mọi người. Nay dù có gồm tất cả những cái hay của bốn người ấy lại mà đổi lấy cái ta có, ta cũng không đổi, bởi vậy họ phải tôn ta làm thầy."

Vậy mới hay Khổng Tử đã thấu suốt cái nguyên tắc quan trọng nhất trong đạo xử thế là phải biết biến: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cử” (có biến mới có thông, có thông mới lâu bền được. Phải biết tuỳ cơ mà ứng biến cho hợp thời trung tiết. Nếu chỉ khư khư nhất mực thì dẫu hay đến mấy cũng hỏng việc mà thôi.

Võ sư Vũ Đức Thọ