Từ “khí công” mà chúng ta dùng ngày nay là danh từ mới xuất hiện từ những năm 60 thế kỷ trước. Có thể nói, nhờ Đạo giáo mà khí công Trung Hoa phát triển rực rỡ, vang danh khắp nơi như ngày nay. Khí công Đạo giáo có nhiều lưu phái nổi tiếng như Võ Đang khí công, Lao Sơn khí công…
Các nhà khí công nổi tiếng Trung Quốc hiện nay như Nghiêm Tân, Chu Hạc Đình đều là cao đồ của những lưu phái khí công Đạo giáo này.
Thuật thai tức và trường thọ
Thai tức là môn nội khí khí công đời đời truyền thừa trong Đạo giáo, có thể gọi là môn khí công cao cấp. Khởi thủy, thai tức là một môn trong thuật phục khí, về sau dần dần phát triển thành một hệ thống công pháp độc đáo, có trước tác kinh điển thai tức riêng.
Nguyên khí là gì?
Thai tức, nói nôm na là “thở” ở trạng thái bào thai. Muốn hiểu thai tức, phục khí, phải hiểu về “nguyên khí”. Theo đạo gia, nguyên khí là chân khí tiên thiên mà con người bẩm thụ trước khi ra đời. Giai đoạn hoàn hảo nhất, sung mãn nhất của nguyên khí con người là khi còn ở trạng thái thai nhi, cơ thể chưa bị hao tổn do khí hô hấp từ mũi, miệng. Thai nhi nằm trong lòng mẹ không ăn không uống, không hít không thở, chỉ thông qua cuống nhau mà sống, đó là nhờ nguyên khí vậy. Sau khi ra đời, nguyên khí thoát ra từ miệng mũi, khí hậu thiên kéo khí tiên thiên đi. Người luyện khí là phải giữ lại, hồi phục nguyên khí để luyện thành đạo trường sinh bất lão.
Nguyên khí hay chân khí là khí vô hình, là khí được tồn dưỡng bên trong cơ thể, còn không khí chúng ta hít thở thông thường là khí hữu hình. Khí hữu hình qua sự chuyển hóa trong cơ thể có thể biến thành khí vô hình, ngoài ra thông qua tập luyện cũng có thể thúc đẩy khí vô hình sinh ra. Công năng miễn dịch, tự trị bệnh của cơ thể là nhờ ở khí vô hình, tức nguyên khí. Sự hao tổn năng lượng trong cuộc sống hằng ngày cũng không phải từ khí hữu hình mà là khí vô hình. Khi khí hữu hình được sung túc thì cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng “biến đổi về chất” (chất biến), hình thành quá trình “khí nhiều thì sinh tân dịch, tân dịch nhiều lại sinh khí”, khí huyết thịnh vượng thì khỏe mạnh, trường thọ.
Trong cơ thể, gốc của nguyên khí nằm ở huyệt Mệnh môn, tức xương cùng, giữa hai thận. Đây là vị trí quan trọng của sinh mệnh và công năng sinh dục, vì thế các nhà dưỡng sinh, thầy thuốc luôn coi Mệnh môn là nơi “tàng tinh tụ khí”. Đan điền, tức Khí hải (bụng dưới) là nơi hành khí. Đạo gia cho rằng thường xuyên chà xát, làm nóng hai vị trí này có thể bồi bổ nguyên khí, khỏe mạnh, trường thọ.
Trong “Hậu Hán thư - Vương Chân truyện” chép rằng: Đời Hán Vũ Đế có Vương Chân, tự là Thúc Kinh, người Thượng Đảng, luyện thuật bế khí mà nuốt, gọi là thai tức; luyện cuốn lưỡi lên vòm họng cho ra tân dịch mà nuốt, gọi là thai thực.
Vương Chân chuyên cần luyện, có thể nhịn ăn hơn 200 ngày, gương mặt bóng mịn như trẻ con, thân thể tráng kiện, sức mạnh hơn chục người”. Có thể thấy thai tức xuất hiện từ thời xa xưa, thông qua rèn luyện thai tức có thể trở về trạng thái thai nhi trong bào thai, không ăn ngũ cốc, da dẻ sáng đẹp, khỏe mạnh, từ đó mà được trường thọ. “Hứa Tinh Dương trong “Túy tâm tiên ca” viết rằng “Chân khí vận hành bên trong, tự nhiên phản lão hoàn đồng”.
Vào đời Đông Tấn, cách nay khoảng 1600 năm, đạo sĩ Cát Hồng(283-363) trước tác “Bão Phác Tử”-một bộ kinh điển của Đạo giáo, trong đó ghi lại nhiều phương pháp hành khí, có một phần hướng dẫn luyện thai tức như sau: “Người mới luyện thuật này, đầu tiên dùng mũi hít sâu vào rồi bế lại không thở ra, lòng đếm thầm từ 1 đến 120 rồi mới dùng miệng thở ra từ từ, sau đó lại hít vào…Hô hấp phải thật sâu, êm, không để tai nghe tiếng, hít vào nhiều, thở ra ít. Dùng lông hồng (lông mao cực nhẹ) đặt trên mũi miệng, đến mức hít thở mà lông không động là đạt”.
Phép thai tức mà Cát Hồng nói có thể là vì ông lĩnh hội được từ đặc tính trường thọ của loài rùa và hạc, thấy rằng hô hấp chậm-êm-sâu-dài là điều kiện cơ bản của trường thọ. Vì thế Cát Hồng nói: “Biết được sự trường thọ của rùa, hạc, nên học phép đạo dẫn của chúng để kéo dài thêm tuổi”. Theo Cát Hồng, thai tức cũng như quy tức (thở như rùa), là một loại tiềm hô hấp thâm tầng, đạt được sau khi nhập tĩnh.
Thai tức hoàn toàn khác với bế khí. Thông thường, bế khí là bất ngờ cắt đứt sự hô hấp đang bình thường, làm thiếu dưỡng khí; thai tức hay quy tức là thông qua tập luyện dần dần giảm thiểu nhu cầu về dưỡng khí. Y học hiện đại nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng lượng túi phổi của cơ thể rất thấp, khi hô hấp bình thường thì có rất nhiều túi phổi không làm việc.
Qua rèn luyện thai tức, khí công có thể giúp cơ thể sử dụng tối đa công năng của túi phổi. Tiến thêm một bước nữa, ý nghĩa chân chính của thai tức là không còn dùng mũi miệng để hô hấp nữa, mà chân khí vận hành bên trong, trao đổi chất qua da, chân lông, hô hấp tựa như thai nhi trong bào thai, đó mới là chân nhân. Nhưng đạt đến mức này là rất khó khăn. (còn nữa)
Thượng Văn