Loài khủng long sinh sống trên trái đất vào đại Trung sinh, khoảng 230 triệu năm đến 65 triệu năm trước. Khoảng thời gian này được chia thành các kỷ Trias (251 đến 200 triệu năm trước), kỷ Jura (200 đến 146 triệu năm trước) và kỷ Creta (146 đến 65 triệu năm trước).

Ngành khảo cố Việt Nam hiện tại đã có đủ nguồn nhân lực và vật lực để phát hiện được hóa thạch khủng long. Tuy nhiên, do ở Việt Nam chưa có những chuyên gia về khủng long và bò sát cổ sinh, việc thẩm định các mẫu hóa thạch vẫn cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, như trường hợp hóa thạch bò sát răng phiến ở rừng Cúc Phương.



Dù chưa phát hiện được hóa thạch khủng long, song một số nhà khoa học vẫn tin rằng loài sinh vật khổng lồ này từng sinh sống trên mảnh đất Việt Nam.


Nhiều nhà khoa học tin rằng
khủng long từng sinh sống ở Việt Nam.


Hóa thạch suýt được “gắn mác” khủng long

Vào tháng 2/2000, tại một hang đá trong rừng quốc gia Cúc Phương thuộc tỉnh Ninh Bình, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hoá thạch của một loài bò sát có niên đại 230 triệu năm trước. Một số phương tiện truyền thông lúc đó đã vội vàng gọi đây là hóa thạch “khủng long”.

Nhưng theo kết quả khảo cổ được PGS TS Trịnh Dánh và một số đồng nghiệp Mỹ, đây là hóa thạch của một loài bò sát thuộc bộ Placodontia, còn gọi là bò sát răng phiến, sống trong kỷ Trias (251 đến 200 triệu năm trước), tuyệt chủng vào cuối kỷ này.

Các nhà khoa học xếp bộ Placodontia vào một nhánh trong siêu bộ Sauropterygia (bò sát chân chèo) và cho rằng bộ này có quan hệ gần gũi với các loài “khủng long” thuộc bộ Plesiosauria nổi tiếng.

Do chưa phát hiện được xương chậu và xương sọ nên xưa thể xác định chính xác pháp danh của hóa thạch bò sát ở Cúc Phương, hưng các nhà khoa học khẳng định, chắc chắn rằng đó không phải là hóa thạch khủng long.


Hóa thạch bò sát răng phiến ở rừng quốc gia Cúc phương.

Khủng long là một siêu bộ bò sát với danh pháp khoa học là Dinosauria, với đặc trưng giải phẫu là có chân nằm dưới thân, khác với các loài bò sát có chân nằm ở hai bên thân. Tất cả khủng long đều sống trên mặt đất. Các loài bò sát bay thuộc bộ Pterosauria hay bò sát sống dưới nước thuộc bộ Plesiosauria đều không phải là khủng long, dù người ta vẫn quen gọi nó bằng danh từ này.

Dù không thể được gắn cái “mác” khủng long như kỳ vọng của nhiều người, nhưng hóa thạch bò sát răng phiến ở Cúc Phương vẫn mang một tầm vóc khoa học to lớn. PGS Trịnh Dánh đã đề xuất xếp hạng hóa thạch 230 triệu năm tuổi này vào hạng Di sản địa chất cấp quốc gia.

Sau này, câu chuyện hóa thạch “khủng long” ở Cúc Phương vẫn là cảm hứng cho nhiều tin đồn. Khoảng tháng 5/2005 tại Vĩnh Long và tháng 5/2009 ở Bình Thuận, việc tìm thấy những bộ xương to lớn lại dấy lên lời đồn đoán về việc tìm thấy hóa thạch khủng long ở Việt Nam.


"Khủng long" Plesiosaurus.

Tuy nhiên, theo PGS TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh và Địa tầng Việt Nam: Một số bộ xương mà người dân nói là xương khủng long đều không có căn cứ. Các bộ xương này được phát hiện ở những nơi có tuổi địa tầng trẻ, nơi ít có khả năng tìm ra hóa thạch khủng long. Bộ xương đào được ở Vĩnh Long là xương cá sấu, còn ở Bình Thuận chỉ là xương cá voi.

“Chỉ khi nào người ta đào được xương lớn tại những nơi có đá trầm tích tuổi Trias, Jura và Creta, thì mới là vấn đề đáng quan tâm, cần xem xét kỹ lưỡng”, PGS TS Tạ Hòa Phương nhận định.

Hóa thạch khủng long ở Việt Nam

Việc phát hiện ra hóa thạch khủng long ở Việt Nam chắc chắn sẽ là một “cú hích” lớn đối với nhiều ngành khoa học trong nước như khảo cổ học, cổ sinh học, địa chất học...

Phát hiện này sẽ tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có những hiểu biết trực quan, thu hút người học quan tâm đến các vấn đề khoa học cơ bản, nền tảng.

Ngoài ra, một phát hiện như vậy có thể trở thành động lực để phát triển ngành du lịch, như trường hợp của nước Lào, sẽ được đề cập ở dưới đây.

Tiến sĩ Vũ Thế Long, chuyên gia khảo cổ của viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, trong khu vực Đông Dương, hóa thạch khủng Long mới chỉ được tìm thấy trên đất Lào.

Hóa thạch này được nhà địa chất người Pháp, Jousé Heilman Hoffet, tìm thấy vào năm 1936 tại khu vực bản Tang Vay, mường Pha Lan, thuộc tỉnh Savanakhet, Lào, nằm cách Quảng Bình khoảng 200 km về phía Tây.

Những mẫu vật 90 triệu năm tuổi gồm xương đùi lớn và đốt xương cột sống đã được xác định là của một loài khủng long ăn cỏ có tên Titanosaurus falloti, còn được gọi là thằn lằn hộ pháp.

Ngày nay những hóa thạch này được trưng bày tại Bảo tàng khủng long, một địa điểm du lịch hấp dẫn ở Lào.


Hóa thạch xương đùi khủng long được phát hiện ở Lào.

Về khả năng tìm thấy hóa thạch khủng long tại Việt Nam

Ở Việt Nam có hóa thạch khủng long không? Điều này phụ thuộc vào việc loài khủng long có mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào thời cổ sinh.

Về phương diện sinh thái, tất cả loài khủng long đều sống trên mặt đất. Do đó, những diễn biến địa chất, sẽ là chìa khóa giải đáp thắc mắc về sự tồn tại của loài khủng long trên mảnh đất Việt Nam.

Theo PGS TS Tạ Hòa Phương, trong suốt đại Trung sinh, do các quá trình vận động địa chất diễn ra mạnh mẽ mà lãnh thổ Việt Nam giai đoạn này có nhiều khu vực bất ổn, khi thì là biển, khi thì lại là đất liền.

Trong kỷ Trias, vào giai đoạn Trias sớm và trung thì diện tích Việt Nam chủ yếu là biển. Đến giai đoạn Trias muộn, sau pha tạo núi Đông Dương phần lớn lãnh thổ nước ta nâng lên thành lục địa. Cũng trong thời kỳ Trias muộn ấy đã hình thành bể than Quảng Ninh và nhiều mỏ than khác ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Quảng Nam.

Vào kỷ Jura thì cũng có nơi là biển (phổ biến ở phía Nam), cũng có nơi là lục địa (ví dụ dải trầm tích màu đỏ ở Hà Cối, Quảng Ninh hay Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Sang kỷ Creta thì trầm tích lục địa màu đỏ lộ trên những diện tích đáng kể ở phía tây Quảng Bình (hệ tầng Mụ Giạ) và ở Hòa Bình, Sơn La (hệ tầng Yên Châu).

PGS Tạ Hòa Phương khẳng định: “Với điều kiện địa chất như thế thì dải đất Việt Nam trong đại Trung sinh hoàn toàn có điều kiện để khủng long sinh sống. Những nơi có khả năng tìm được di tích khủng long nhất chính là những vùng có các hệ tầng trầm tích lục địa màu đỏ như hệ tầng Mụ Giạ ở Tây Quảng Bình, hệ tầng Yên Châu ở Hòa Bình, Sơn La và hệ tầng Hà Cối ở Quảng Ninh, Hải Phòng”.

-Theo Đất Việt-